Đối với những bạn học sinh lựa chọn ngành nghề theo học khối B, 10 người thì 9 người mong muốn tương lai, một ngày nào đó mình sẽ trở thành bác sĩ. Tuy nhiên, điểm chuẩn vào ngành Bác sĩ Đa khoa ở những trường top đầu thường khá cao, không phải học sinh nào ai cũng có thể đạt được. Vậy nên, những bạn học sinh có đam mê với học khối ngành sức khỏe nếu muốn cống hiến cho nền y học nước nhà, mà khả năng học lực khó có thể cạnh tranh để vào ngành Bác sĩ Đa khoa, thì các sĩ tử có thể lựa chọn những ngã rẽ khác, chẳng hạn như đăng ký vào ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học.
Kỹ thuật xét nghiệm y học thì học gì?
Kỹ thuật xét nghiệm y học là lĩnh vực chuyên môn trong ngành y tế, tập trung vào việc thực hiện, phân tích và quản lý các xét nghiệm trên các bệnh phẩm như máu, nước tiểu .… Từ đó hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán bệnh chính xác, xây dựng phác đồ điều trị bệnh kịp thời, hiệu quả cũng như có thể dự báo sớm nguy cơ mắc bệnh. Ngoài ra, kỹ thuật xét nghiệm còn đóng vai trò quan trọng trong an toàn vệ sinh thực phẩm và lĩnh vực dự phòng như tầm soát dịch bệnh, đánh giá lâm sàng hiệu quả thuốc và vắc xin.
Xét nghiệm y học bao gồm các lĩnh vực chính như: Hóa sinh; Huyết học; Vi sinh – Ký sinh trùng; Giải phẫu bệnh. Có đến 70% kết quả chẩn đoán phụ thuộc vào xét nghiệm, thể hiện tầm quan trọng của ngành kỹ thuật xét nghiệm trong y học hiện đại. Đặc biệt, trên thực tế, bạn có thể thực hiện công việc này ở hậu trường và hoàn toàn không tiếp xúc với bệnh nhân.
Học sinh theo học ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học sẽ được tham gia nghiên cứu các môn như: Sinh học phân tử; Sinh học tế bào; Huyết học; Miễn dịch học (học về hệ miễn dịch và các phản ứng miễn dịch); Vi sinh vật học (học về vi khuẩn, virus, và các sinh vật gây bệnh khác); Hóa sinh (học về các phản ứng hóa học trong cơ thể); Kỹ thuật gen…
Cơ hội việc làm rộng mở
Về chủ đề cơ hội việc làm của các bạn sinh viên ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học, TS.BS. Nguyễn Thị Hồng Liên – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Đặng Văn Ngữ chia sẻ, xét nghiệm y học có vai trò ngày càng quan trọng trong các quyết định y học, từ chẩn đoán, điều trị cho đến tiên lượng bệnh. Theo thống kê ngành Y, xét nghiệm y học ảnh hưởng tới 70% quyết định y học và trong số đó, gần 100% các quyết định y học chính xác đều dựa trên kết quả xét nghiệm. Đây là ngành nghề của tương lai và lĩnh vực của y học hiện đại.
Theo dự đoán của Bộ Y tế đến năm 2030, chúng ta cần bổ sung thêm khoảng 65.000 kỹ thuật viên xét nghiệm. Chưa hết, hệ thống ngành Y hiện nay vẫn rơi vào tình trạng thiếu nhân lực ngành xét nghiệm y học một cách trầm trọng. Chính vì lẽ đó, các sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học ra trường có cơ hội việc làm rộng mở với mức lương khởi điểm hấp dẫn cùng với chế độ ưu đãi tốt.
Ngoài ra, theo nhận định đây còn là một trong những ngành có triển vọng nhất trong những năm tới khi nhiều trung tâm, bệnh viện, các cơ sở y tế tư nhân được xây dựng, đầu tư và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ.
Sinh viên ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học sau tốt nghiệp có thể làm việc tại các bệnh viện công tập; các bệnh viện tư; các trung tâm y tế dự phòng, các cơ sở y tế tư nhân.
Một số vị trí đảm nhận công việc như:
– Kỹ thuật viên xét nghiệm tại các bệnh viện, phòng xét nghiệm.
– Chuyên viên tư vấn, hướng dẫn xét nghiệm tại các cơ sở y tế từ Trung ương đến địa phương trên cả nước.
– Nhân viên kinh doanh thiết bị xét nghiệm y tế.
– Hoạt động y tế dự phòng tại địa phương.
Đến đây, nhiều người đặt câu hỏi vậy có nên theo học ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học trình độ cao đẳng không? Về vấn đề này, theo TS.BS. Nguyễn Thị Hồng Liên, một sự khuyến khích đối với sinh viên học ngành điều dưỡng và xét nghiệm y học tại trường cao đẳng là được giảm học phí 70% do chính sách mới của Chính phủ và Bộ LĐTBXH quy định, áp dụng từ tháng 8/2023.
“Các em sinh viên trường Cao đẳng Y tế Đặng Văn Ngữ thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp nên được áp dụng chính sách mới này. Mỗi tháng, một sinh viên chỉ phải đóng học phí khoảng gần 700k/tháng”, TS.BS. Nguyễn Thị Hồng Liên cho hay.
Sau khi tốt nghiệp các trường cao đẳng, các em vẫn có nhiều cơ hội học lên các bậc học cao hơn như đại học, thạc sĩ…nếu có nhu cầu. Ngoài ra, sinh viên còn có cơ hội làm việc, xuất khẩu lao động nước ngoài (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức,…).