Ngày 28-29/6 tới đây kỳ thi THPT 2023 sẽ diễn ra. Trong trường hợp nào thí sinh được đặc cách xét tốt nghiệp THPT? Các em cùng lưu ý để kỳ thi diễn ra tốt nhất.
Trong trường hợp nào thí sinh được đặc cách xét tốt nghiệp THPT?
Theo Bộ GD&ĐT, Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 sẽ được tổ chức từ ngày 28-29/6 tới. Theo đó, để xét tốt nghiệp và lấy kết quả xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ, thí sinh cần thực hiện 4 bài thi gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội.
Những trường hợp đặc biệt cũng sẽ được đặc cách xét tốt nghiệp được áp dụng trong quy chế thi 2023 năm nay.
Trong đó, đối tượng thứ nhất là thí sinh bị tai nạn, bị ốm hoặc có việc đột xuất đặc biệt trước ngày thi không quá 10 ngày hoặc ngay trong buổi thi đầu tiên, không thể dự thi. Trường hợp này có điều kiện, trước đó, học sinh phải được xếp loại về học lực và hạnh kiểm cả năm lớp 12 từ khá trở lên.
Thí sinh phải có hồ sơ nhập viện, ra viện do bệnh viện từ cấp huyện trở lên (trường hợp bị ốm, tai nạn) hoặc UBND cấp xã nơi cư trú xác nhận.
Thứ hai là trường hợp thí sinh bị tai nạn, bị ốm hay có việc đột xuất đặc biệt sau khi đã thi ít nhất một bài thi và không thể tiếp tục dự thi hoặc sau khi bị tai nạn, bị ốm hay có việc đột xuất đặc biệt tự nguyện dự thi số bài thi còn lại. Trường hợp này điều kiện là điểm của những bài đã thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT đều đạt từ 5.0 trở lên. Xếp loại học lực ở lớp 12 từ trung bình, hạnh kiểm khá trở lên.
Thí sinh phải có đơn đề nghị xét đặc cách, hồ sơ nhập viện, ra viện của bệnh viện tuyến huyện trở lên (nếu ốm đau, tai nạn) hoặc xác nhận của UBND xã nơi cư trú (nếu có việc đột xuất). Chậm nhất 7 ngày sau buổi thi cuối cùng, thí sinh phải nộp hồ sơ đặc cách cho nơi thí sinh đăng ký dự thi.
Trường hợp thí sinh được miễn tất cả các bài thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia gồm: người đã tham gia kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế hoặc Olympic khu vực các môn văn hóa. Bên cạnh đó, trường hợp này cũng phải đáp ứng điều kiện xếp loại cả năm học lớp 12 đạt học lực khá, hạnh kiểm tốt trở lên.
Trường hợp tham gia đội tuyển các cuộc thi Olympic quốc tế hoặc Olympic khu vực về khoa học kỹ thuật, thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ được miễn tất cả các bài thi nếu xếp loại cả năm lớp 12 đạt trung bình trở lên.
Quy chế cũng quy định, trường hợp được miễn các bài thi trong xét công nhận tốt nghiệp THPT. Trong đó, đối với bài thi Ngoại ngữ, đối tượng được miễn thi gồm: thành viên đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế môn Ngoại ngữ; có một trong các chứng chỉ theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Hai trường hợp kể trên, để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh được miễn bài thi ngoại ngữ sẽ được tính điểm 10. Tuy nhiên, thí sinh sẽ phải dự thi như bình thường nếu không đăng ký sử dụng quyền được miễn thi môn này.
Ngoài ra, quy chế cũng quy định miễn thi tất cả các bài thi trong xét tốt nghiệp cho các đối tượng là người khuyết tật đặc biệt nặng; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên; con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, bản thân bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
Đảm bảo kỳ thi diễn ra nghiêm túc
Thứ nhất, điều chỉnh một số vấn đề kỹ thuật để tăng cường kỷ cương, nền nếp phòng thi cũng như bảo đảm an toàn, an ninh trong suốt kỳ thi. Điều này được thể hiện trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT.
Để đảm bảo kỳ thi diễn ra một cách nghiêm túc, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị không cho thí sinh mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi, chỉ được mang bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản và Atlat Địa lý Việt Nam (khi thi môn Địa lý).
Kỳ thi cần đảm bảo sự nghiêm túc
Ngoài ra, sau khi hết hai phần ba thời gian làm bài, thí sinh cũng không được rời khu vực thi mà ở tại phòng chờ trong thời gian còn lại.
Thứ hai, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra toàn bộ các khâu tổ chức thi kèm theo đó là tăng cường chất lượng đề thi. Công tác bảo mật đề thi cần được đảm bảo tuyệt đối.
Cùng với các đoàn kiểm tra của bộ, đề nghị các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát kỳ thi tại địa phương để bảo đảm tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, minh bạch, khách quan và chất lượng.
Thứ ba, tăng cường quán triệt quy chế và tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, thanh tra thi. Các cán bộ coi thi, những người tham gia kỳ thi đều được phổ biến quy chế một cách nghiêm ngặ nhất.
Đặc biệt, tiếp tục phối hợp với Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ tập huấn nghiệp vụ về thực hiện các biện pháp phòng chống, ngăn chặn gian lận. Các thiết bị gian lận công nghệ cao cần được lưu ý.
Thứ tư, để nhận được sự đồng thuận, quyết tâm tổ chức thi an toàn, nghiêm túc, khách quan, hiệu quả cần đẩy mạnh công tác truyền thông quyết liệt. Thông tin cần được phổ biến rộng rãi và mang tính bền lâu nhất.
Đối với các thí sinh, tuyệt đối nghiêm cấm sử dụng điện thoại hoặc những vật dụng cấm mang vào phòng thi và tuân thủ quy định, hướng dẫn của hội đồng thi. Những thiết bị công nghệ cao cũng được kiểm tra nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn thi.
Thứ năm, tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương trong chỉ đạo tổ chức thi. Trong đó, đề nghị các địa phương chủ động thực hiện các công việc theo quy định tổ chức kỳ thi theo đúng tinh thần chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi tại địa phương; chú trọng việc lựa chọn cán bộ, giáo viên tham gia kỳ thi (nhất là với các khâu trọng yếu như in sao đề thi, coi thi, chấm thi…).