Thứ trưởng Bộ y tế, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương trao giải Cuộc thi “Tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp khoa học của Giáo sư, bác sĩ, Anh hùng, liệt sĩ Đặng Văn Ngữ”

Cuộc thi tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp khoa học của Giáo sư, bác sĩ, Anh hùng, liệt sĩ Đặng Văn Ngữ là đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng cho viên chức, cán bộ y tế; cũng là dịp để thể hiện tình cảm đối với Giáo sư – nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực ký sinh trùng ở Việt Nam

Cuộc thi được phát động từ 12/4/2023, đã nhận được 196 bài thi. Hầu hết các bài dự thi đều đã tuân thủ nghiêm túc thể lệ cuộc thi, trả lời đầy đủ 5 câu hỏi do Ban tổ chức đưa ra, gửi bài dự thi đúng thời gian quy định. Cách trả lời trau chuốt, mạch lạc, rõ ràng, có diễn giải, phân tích, chứng minh để làm rõ vấn đề; cách trình bày từng câu trả lời rõ ràng… thể hiện được sự quan tâm đầu tư nghiên cứu tài liệu, tìm hiểu thông tin của tác giả. Một số bài dự thi có hình ảnh minh họa rất đẹp, phong phú, phù hợp với nội dung thi.

Cuộc thi không chỉ nhận được bài dự thi của các cán bộ, viên chức ngành y tế mà có cả những người ngoài ngành và đặc biệt là cả 3 người ngoài ngành tham dự đều đoạt giải (trong đó có 1 giải Nhất), điều đó thể hiện sự lan toả của tấm gương cuộc đời và sự nghiệp khoa học của Giáo sư, bác sĩ, Anh hùng, liệt sĩ Đặng Văn Ngữ đến với nhiều tầng lớp người dân Việt Nam.

Ban tổ chức đã làm việc và và thống nhất trao các giải thưởng như sau: Giải Nhất: 1 cá nhân; Giải Nhì: 2 cá nhân; Giải Ba: 5 cá nhân; Giải Khuyến khích: 7 cá nhân.

Đồng thời, Ban tổ chức thống nhất trao giải cho 5 tập thể hưởng ứng tích cực tham gia cuộc thi: Gồm các Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương, Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn, Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Thành phố Hồ Chí Minh, Trường đại học Y Hà Nội và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tại buổi lễ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Hương – Thứ trưởng Y tế đánh giá, cuộc thi tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp khoa học của Giáo sư, bác sĩ, Anh hùng, liệt sĩ Đặng Văn Ngữ là đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng cho viên chức, cán bộ y tế; cũng là dịp để thể hiện tình cảm đối với Giáo sư – nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực ký sinh trùng ở Việt Nam.

Đây còn là hoạt động mang ý nghĩa sâu sắc, thiết thực để giáo dục lịch sử, giáo dục truyền thống ngành y đặc biệt trong lĩnh vực y tế dự phòng nói chung và phòng chống sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng nói riêng.

Cuộc thi cũng góp phần khơi dậy niềm tự hào của cán bộ y tế, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ nhân viên y tế trong hoạt động nghiên cứu khoa học, bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, để từ đó tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Thay mặt Lãnh đạo Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những thành tích xuất sắc mà Viện Sốt rét Ký sinh trùng-Côn trùng-Trung ương đã đạt được trong thời gian qua như một sự tiếp nối sự nghiệp khoa học và những hy sinh, đóng góp của Giáo sư Đặng Văn Ngữ cho ngành y tế nước nhà.

Viện là một trong những đơn vị hàng đầu trong khối y tế dự phòng và là đơn vị có mô hình hoạt động rất đặc biệt trong ngành y tế Việt Nam.

Công tác phòng chống sốt rét của Viện đã góp phần làm giảm sâu cả 3 tiêu chí: số mắc, số tử vong, số vụ dịch: Đến năm 2023 đã có 46 tỉnh được công nhận loại trừ sốt rét và Việt Nam đang tự tin thực hiện mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét vào năm 2030.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đánh giá, công tác khám, chữa bệnh của Viện rất phát triển. Bệnh viện Đặng Văn Ngữ trực thuộc Viện được thành lập năm 2020 trên cơ sở khoa khám bệnh chuyên ngành, là bệnh viện chuyên khoa đầu ngành về các bệnh ký sinh trùng. Năm 2023, bệnh viện khám, chữa bệnh cho 32.700 lượt trường hợp, tăng 2,1 lần, so với năm 2022.

Thay mặt gia đình Giáo sư, bác sĩ, Anh hùng, liệt sĩ Đặng Văn Ngữ, đạo diễn Đặng Nhật Minh – con trai của cố Giáo sư Đặng Văn Ngữ chia sẻ: “Tôi và gia đình cảm động vì nhiều bài báo viết về cha tôi. Cha tôi không chỉ tiếp tục sống trong tâm hồn con cháu trong gia đình, trong các đồng nghiệp cộng sự và thế hệ học trò, mà còn ở trong tâm tưởng của không ít người dân. Việc phát động cuộc thi viết về cha tôi như là mạch nguồn để ông tiếp tục sống trong lòng các đồng nghiệp, cộng sự thế hệ kế tục sự nghiệp của cha tôi…”.

Buổi lễ cũng là dịp hội ngộ của những nhân chứng sống trong đoàn cùng đi B với giáo sư Đặng Văn Ngữ. 5 người trong đoàn đi B năm nào giờ đây đều đã ở ngưỡng tuổi 90. Đây là cuộc gặp gỡ hiếm hoi nhiều xúc động.

Đăng ký xét tuyển
.
.
.
.